Xu hướng xuất khẩu hàng hóa 2024
Khách hàngNăm 2024 này hứa hẹn là năm bùng nổ của Việt Nam trong xuất khẩu hàng hóa. Nhờ vào ưu đãi từ các thỏa thuận thương mại như EVFTA, kim ngạch xuất khẩu nước ta đang trên đà tăng trưởng vượt bậc mặc dù tổng cầu thế giới suy giảm. Trong bốn tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đã tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, đem lại những tín hiệu tích cực cho nền kinh tế. Cùng GoGoX khám phá những xu hướng và cơ hội mới trong xuất khẩu hàng hóa năm nay.
1. Tình hình xuất khẩu hàng hóa khởi sắc đáng kể
Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đã khởi sắc vượt trội trong năm 2024 với mức tăng trưởng ấn tượng. Theo dữ liệu từ Tổng Cục Thống Kê và Bộ Tài Chính, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa tích lũy đạt 238,88 tỷ USD tính đến tháng 4, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó kim ngạch xuất khẩu tăng 15%. Điều này cho thấy sự linh hoạt và khả năng thích ứng của nền kinh tế Việt Nam trước những cơ hội từ thị trường thế giới.
Trong quý I/2024, thị trường Việt Nam chứng kiến sự tăng trưởng mạnh và đồng đều của cả ba nhóm hàng:
🔸Nhóm hàng nông, lâm, thuỷ sản ước tính đạt 9,9 tỷ USD, tăng 26,1% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 10,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
🔸Nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo ước đạt 82,02 tỷ USD, chiếm 88,1% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2023.
🔸Nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản quý xuất khẩu quý I/2024 ước đạt 1,18 tỷ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Sự ổn định và tăng trưởng của các nhóm hàng xuất khẩu trong thời gian này là dấu hiệu cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế Thế giới. Bên cạnh đó, số liệu tích cực cũng phản ánh sự linh hoạt và thích ứng của Việt Nam trong việc tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại.
2. Việt Nam “thăng hạng” trên bản đồ xuất khẩu điện thoại, linh kiện điện tử
Theo số liệu xuất khẩu 4 tháng đầu năm từ Tổng Cục Thống Kê, cả nước có 21 mặt hàng có trị giá xuất khẩu hơn 1 tỷ USD, chiếm 86,4% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, có 5 mặt hàng giá trị xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 58%.
Điểm sáng là mặt hàng điện thoại và linh kiện trong tháng 4 thu về hơn 4,2 tỷ USD, Tăng 9,1% so với cùng kỳ 2023. Số liệu lũy kế 4 tháng đầu năm, mặt hàng này đã xuất khẩu với trị giá hơn 18,4% tỷ USD, tăng 6% so với 4 tháng đầu năm 2023. Như vậy, đây là mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn thứ nhì, chỉ sau máy tính, máy quay phim và linh kiện.
Hiện tại, Việt Nam đã vượt lên Ấn Độ, trở thành nước xuất khẩu điện thoại thông minh lớn thứ hai toàn cầu, chỉ đứng sau Trung Quốc. Theo ông Phạm Tuấn Anh, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), động lực tăng trưởng xuất khẩu vượt trội của mặt hàng này là từ việc nước ta đang thu hút sự đầu tư lớn từ các tập đoàn đa quốc gia về công nghệ của Hàn Quốc, Nhật Bản,… Với lợi thế về chi phí lao động, Việt Nam là điểm đến lý tưởng của các doanh nghiệp công nghệ lớn.
Khách hàng lớn nhất của nước ta ở mặt hàng này là Mỹ. Trong quý I năm nay, quốc gia này đã chi 3 tỷ USD đặt mua điện thoại và linh kiện từ Việt Nam, tăng 30,4% so với cùng kỳ. Khách hàng lớn thứ hai của nước ta là Trung Quốc với trị giá nhập hàng hơn 2,5 tỷ USD, giảm 28% so với cùng kỳ. Chuyển biến mới là Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất UAE vươn lên trở thành khách hàng lớn thứ ba của nước ta, với tổng trị giá đặt hàng 897.000 USD, tăng mạnh 55% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, tình hình xuất khẩu điện thoại, linh kiện cũng tăng đáng kể ở các nước thành viên EU như Hungary, Slovakia, Cộng hòa Séc, Ba Lan,…
3. “Bùng nổ tiềm năng” xuất khẩu nông sản sang Mỹ và châu Âu
Trong quý I/2024, ngành nông nghiệp của Việt Nam đã ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể trong xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu nông sản đã tăng mạnh, đặc biệt là các mặt hàng như cà phê, gạo, chè, rau quả, và sắn cùng các sản phẩm từ sắn. Cụ thể, xuất khẩu cà phê tăng 54,2%, gạo tăng 40%, chè tăng 27,2%, rau quả tăng 25,8%, sắn và sản phẩm của sắn tăng 21,1%.
Sự tăng trưởng này chủ yếu là kết quả của việc mở rộng và phát triển các thị trường xuất khẩu chính như Hoa Kỳ, Trung Quốc và các quốc gia thành viên EU. Trong đó, những lợi thế từ Hiệp định EVFTA vẫn đóng vai trò quan trọng, đứng sau thành công tăng trưởng xuất khẩu nông sản Việt sang khối EU. Điểm sáng xuất khẩu nông sản trong quý 1 năm nay là cà phê và gạo, và còn được dự đoán có sức bật kéo dài suốt những quý sau.
Với cà phê, xuất khẩu trong quý I/2024 của Việt Nam đạt 587.820 tấn, tổng giá trị thu về khoảng 1,92 tỉ đô la Mỹ, tăng gần 59% về số lượng và tăng 73% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ. Thị trường châu Âu chiếm hơn 48% tổng giá trị xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong quí này và tăng hơn 47% so với cùng kỳ năm trước.
Với gạo, số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy trong quý I/2024, Việt Nam xuất khẩu gần 46.000 tấn gạo vào thị trường EU. Kim ngạch chạm mức 41,4 triệu USD, tăng vượt trội 118% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tại thị trường Pháp, sản lượng gạo xuất từ nước ta tăng 18.200 tấn. Giá trị ước tính 19,1 triệu USD, tức là tăng gần 180 lần so với cùng kỳ 2023.
Việc đáp ứng tốt hơn các yêu cầu về quy tắc xuất xứ, chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm sẽ càng mở ra cơ hội lớn để Việt nam nâng cao giá trị xuất khẩu nông sản trong thời gian tới.
4. Hàng dệt may tăng trưởng lại nhưng đơn giá chưa hồi phục
Những tháng đầu năm 2024, thị trường xuất khẩu hàng dệt may có những chuyển biến tích cực so với cùng kỳ 2023. Theo số liệu từ Tổng cục Hải Quan, nếu như quý I/2023 chứng kiến xuất khẩu dệt may “tăng trưởng âm” 17,5% so với 2022. Thì trong quý I năm nay kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của nước ta đạt 7,82 tỷ USD, lội ngược dòng tăng 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Một tín hiệu tốt nữa là hiện tại nhiều doanh nghiệp dệt may đã nhận được nhiều đơn đặt hàng đến hết quý II, thậm chí là đến hết quý III năm nay.
Những khách hàng lớn nhất của Việt Nam ở mặt hàng này vẫn là Mỹ với kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm đạt 4,58 tỷ USD, tăng 6,3%; khối EU đạt 1,2 tỷ USD, tăng 1.5%; Nhật Bản đạt 1,34 tỷ USD, tăng 10%; Hàn Quốc đạt 1,22 tỷ USD, tăng 3,7% và Trung Quốc đạt 1,07% tỷ USD, tăng 13,1%.
Mặc dù số lượng đơn hàng đã tăng, nhưng giá trị đơn hàng vẫn chưa có sự hồi phục đáng kể. Điều này phần lớn do lạm phát cao trên toàn cầu, khiến người tiêu dùng tại các thị trường lớn phải thắt chặt chi tiêu. Các doanh nghiệp dệt may vẫn phải chấp nhận mức giá không cao để duy trì đơn hàng và hoạt động sản xuất. Ngoài ra, sự cạnh tranh về chi phí lao động và ảnh hưởng từ các quy chế EPR, CBAM, Chỉ thị tra soát chuỗi cung ứng OECD của EU, vấn đề quyền con người (HRDD) trong sản xuất cũng khiến các doanh nghiệp đối diện nhiều thách thức.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng khuyến nghị các doanh nghiệp nên liên kết để đưa ra mức giá hợp lý hơn, tránh tình trạng cạnh tranh đua giá, làm hạ ngưỡng giá trung bình xuống quá sâu.
5. Khai thác tối đa lợi thế từ Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới
Năm 2024, Việt Nam tiếp tục nhận được sự quan tâm, đầu tư từ nước ngoài và là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa ấn tượng, trong những năm trở lại đây. Một trong những yếu tố quan trọng tạo sức bật cho sự phát triển này là việc khai thác tối đa lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia. Các hiệp định nổi bật bao gồm CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu), RCEP (Hiệp định Đối tác kinh tế khu vực xuyên Thái Bình Dương).
Để phát huy hết lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do, các doanh nghiệp cũng cần chủ động nghiên cứu, thực hiện các chiến lược quản trị sản xuất phù hợp:
Tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế: Doanh nghiệp cần nắm rõ và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng sản phẩm, an toàn và môi trường để đáp ứng yêu cầu của các thị trường nhập khẩu khó tính như EU, Mỹ và Nhật Bản. Việc tuân thủ các tiêu chuẩn này không chỉ giúp tăng cường uy tín của hàng hóa Việt Nam mà còn mở ra nhiều cơ hội mới trên thị trường quốc tế.
Đầu tư vào hạ tầng và công nghệ: Việt Nam cần đầu tư vào hạ tầng vận tải và hạ tầng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu suất sản xuất và giảm chi phí vận hành. Đồng thời, việc áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất và quản lý chuỗi cung ứng sẽ giúp tăng cường năng suất lao động và chất lượng sản phẩm.
Thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp: Hợp tác giữa các doanh nghiệp có thể được thúc đẩy thông qua việc xây dựng các liên kết chuỗi cung ứng trong nước và toàn cầu. Thay vì cạnh tranh trực tiếp với nhau, các doanh nghiệp có thể hợp tác trong việc chia sẻ nguồn lực, công nghệ và kinh nghiệm để tạo ra những sản phẩm và dịch vụ có chất lượng cao và giá cả cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Hy vọng những thông tin về xu hướng xuất khẩu hàng hóa 2024 này sẽ là những thông tin hữu ích cho doanh nghiệp bạn
Phía trên là một số thông tin về xu hướng xuất khẩu hàng hóa năm 2024 mà GoGoX tổng hợp được. Mong rằng đây sẽ là những thông tin hữu ích cho doanh nghiệp bạn trong trong quá trình nghiên cứu, đề xuất và triển khai các chiến lược kinh doanh sắp tới. Hy vọng doanh nghiệp bạn sẽ tiếp cận được những cơ hội kinh doanh tiềm năng trên thị trường xuất khẩu trong năm nay.
Nguồn thông tin: Tổng cục Thống kê, Tổng cục Hải quan, Báo Công thương ,Tạp chí Tài chính, Báo VnEconomy
GoGoX – Đáp ứng trọn gói giải pháp giao nhận hàng hóa tuyến cảng – kho cho doanh nghiệp!
Với đội xe trên 200 đầu kéo container và kinh nghiệm làm thủ tục thông quan hàng hóa cho nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu lớn trong ngành nông sản, GoGoX tự tin đáp ứng mọi nhu cầu giao hàng container liên tục của bạn với dịch vụ nhanh chóng, chuyên nghiệp và tiết kiệm chi phí!
Liên hệ Hotline GoGoX để được hỗ trợ báo giá tốt nhất!